Hiển thị các bài đăng có nhãn vị thuốc. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn vị thuốc. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 8 tháng 10, 2013

Đinh lăng có tên khoa học là Polyscias Fruticosa Harms thuộc họ Ngũ gia bì (Araliaceae), trong dân gian còn gọi là cây gỏi cá.

Đinh lăng thuộc loại cây nhỏ, cao 0,8-1,5m. Cây có lá kép, mọc so le, lá 3 lần xẻ lông chim, mép khía có răng cưa. Lá đinh lăng phơi khô, nấu lên có mùi thơm đặc trưng như mùi thuốc bắc. Ngoài dược tính quý ra, cây đinh lăng còn trồng làm cảnh. Lá đinh lăng còn nấu canh, lá non làm rau sống ăn rất thơm ngon.


Bộ phận dùng làm thuốc chủ yếu là rễ (lấy ở những cây trồng từ 3 năm trở lên). Người ta thường đào lấy rễ cây đinh lăng vào mùa thu hay mùa đông vì lúc này hoạt chất tập trung ở rễ. Rễ đào về đem rửa sạch đất cát, thái nhỏ rồi phơi, hay sấy khô. Cũng có thể tẩm thêm rượu, gừng và sao cho thơm. Ngoài rễ ra, người ta còn dùng cả thân và lá đinh lăng.
Theo các nhà dinh dưỡng, trong rễ đinh lăng có chứa nhiều saponin có tác dụng như nhân sâm, nhiều sinh tố B1, ngoài ra rễ còn chứa khoảng 13 loại axit amin cần thiết cho cơ thể, nhờ đó đinh lăng còn giúp tăng trí nhớ, giúp cho cơ thể có sức đề kháng tốt.
Theo Đông y, rễ đinh lăng có vị ngọt, hơi đắng, tính mát có tác dụng thông huyết mạch, bồi bổ khí huyết, lá có vị đắng, tính mát có tác dụng giải độc thức ăn, chống dị ứng, chữa ho ra máu, kiết lỵ. Nói chung, ngoài tác dụng lương huyết và giải độc thức ăn, những tính chất khác của đinh lăng gần giống như nhân sâm có chức năng chống mệt mỏi và làm tăng sức dẻo dai của cơ thể.
Liều dùng trung bình là 0,25- 0,50g một lần, ngày uống 2-3 lần, dùng dưới dạng thuốc bột (sao thơm, tán nhỏ, rây bột mịn), thuốc viên, hoặc ngâm rượu.
Dưới đây là một số bài thuốc có cây đinh lăng
-Ho suyễn lâu năm: Rễ đinh lăng, bách bộ, đậu săn, rễ cây dâu, nghệ vàng, rau tần dày lá tất cả đều 8g, củ xương bồ 6g; gừng khô 4g, đổ 600 ml sắc còn 250 ml. Chia làm 2 lần uống trong ngày. Uống lúc thuốc còn nóng.
- Chữa nổi mề đay, mẩn ngứa do dị ứng: Lá đinh lăng khô 80g, đổ 500 ml nước sắc còn 250 ml. Chia làm 2 lần uống trong ngày.
- Phong thấp, thấp khớp: Rễ đinh lăng 12g; cối xay, hà thủ ô, huyết rồng, cỏ rễ xước, thiên niên kiện tất cả 8g; vỏ quýt, quế chi 4g (quế chi bỏ vào sau cùng). Đổ 600 ml nước sắc còn 250 ml. Chia làm 2 lần uống trong ngày. Uống khi thuốc còn nóng.
- Bồi bổ cơ thể, ngừa dị ứng: Lá đinh lăng tươi từ 150-200g, nấu sôi khoảng 200 ml nước. Cho tất cả lá đinh lăng vào nồi, đậy nắp lại, sau vài phút, mở nắp và đảo qua đảo lại vài lần. Sau 5- 7 phút, chắt ra để uống nước đầu tiên, đổ tiếp thêm khoảng 200 ml nước vào để nấu sôi lại nước thứ hai để uống.
- Chống bệnh co giật hoặc trằn trọc vào ban đêm cho trẻ mới sinh, người ta lấy lá đinh lăng phơi khô đem bỏ vào gối cho trẻ nằm.
- Chữa tắc tia sữa: Rễ đinh lăng 40g, gừng tươi 3 lát, đổ 500 ml nước sắc còn 250 ml. Chia làm 2 lần uống trong ngày. Uống khi thuốc còn nóng.
Tuy nhiên, do thành phần saponin có nhiều trong rễ đinh lăng, chất này có tính phá huyết sẽ làm vỡ hồng cầu, vì vậy chỉ dùng khi cần thiết và phải dùng đúng liều lượng mới có tác dụng.

Không chỉ được dùng làm món gỏi, hay xào, ăn lẩu … ngó sen còn là một nguyên liệu để làm thuốc, giúp trị một số bệnh. Đông y cho rằng ngó sen khi tươi có tính hàn, ngọt mát, có thể tiêu ứ máu, thanh nhiệt, thích hợp với chứng khát khi say rượu, ho ra máu, nôn ra máu.


Chọn ngó sen
Ngó sen có hai loại, ngó sen nếp và ngó sen tẻ. Khi chọn mua ngó sen nếp, nên chọn thân trắng, non mịn, vỏ mỏng, đốt mắt nhỏ, phần bên trong sáng và nhẵn, đốt ngắn, ăn mềm. Không nên chọn ngó sen có thân màu xanh khô ráp, vỏ nhăn nheo héo úa.
Ngó sen tẻ, thân hơi có màu hồng, ráp, có những đường nhăn rõ, vỏ mỏng, đốt mắt to, gồ lên, phía trong có đường nhân, đốt dài, giống hình trụ dẹt, ăn hơi cứng, nhiều xơ và hơi dai.
Công dụng của ngó sen
Nước ngó sen tươi hoặc canh ngó sen có thể trị sốt nóng, khát và thổ huyết, tiểu ra máu, chảy máu mũi, xuất huyết dưới da, nhiệt năng trong cơ thể được bài tiết ra ngoài qua đường tiểu tiện…
Ngó sen, nhất là đốt ngó sen, là vị thuốc cầm máu rất tốt, chuyên trị các loại xuất huyết như thổ huyết, ho ra máu, tiểu ra máu, đại tiện ra máu… Dân gian thường dùng 6 – 7 đốt ngó sen giã nhỏ, cho vào ít đường đỏ uống, có hiệu quả cầm máu rất tốt.
Các bài thuốc đơn giản từ ngó sen:
Nước mía ngó sen:
Mía tươi 500gam, ngó sen tươi 500gam. Mía rửa sạch, róc vỏ, cắt vụn, ép lấy nước.
Ngó sen rửa sạch, bỏ đốt, thái vụn để vào bát to, đồ nước mía vào ngâm từ 8 – 10h, lấy ngó sen ra cho vào máy xay nhuyễn, ép lấy nước, ngày uống 3 lần.
Công dụng: chữa các chứng bệnh viêm đường tiết niệu, đái dắt, đái ra máu…
Cao nho ngó sen:
Nước nho 250ml, ngó sen tươi 250ml. Cho hỗn hợp gồm nước nho, ngó sen vào nồi, đun cho cạn thành cao. Chờ nguội cất trong lọ dùng dần. Uống mỗi lần hai thìa canh hòa đều với nước sôi, ngày hai lần.
Công dụng: lợi tiểu, chữa các chứng bệnh viêm đường tiết niệu, đái buốt thanh nhiệt.

Thứ Ba, 1 tháng 10, 2013

Cây huệ rừng tên khoa học  Dianella ensifolia. Chúng sinh trưởng rất nhiều ở những nơi có độ cao khoảng 1.600 m so với mực nước biển.

Cây có vị cay, tính ấm, có độc nhiều; có tác dụng khử phong, khử độc sát trùng, lợi niệu. Ở Trung Quốc và Malaysia, người ta dùng thân, rễ cây này để chế thành thuốc chữa mụn rộp mọc vòng, mụn nhọt, ghẻ ngứa… Cách sinh sản là lây lan qua thân rễ ngầm và ra hoa vào cuối mùa xuân.


Bệnh rọm, một căn bệnh làm người mắc phải vô cùng đau đớn, dẫn tới dị tật tay chân.
Bệnh rọm là bệnh nhiễm trùng, thường xuất hiện ở bàn tay, chân gây đau nhức, dẫn đến hoại tử nhưng điều trị kháng sinh thường không khỏi. Bệnh có triệu chứng giống với các loại ung nhọt có mủ xanh bên trong, nhưng nếu can thiệp bằng giải phẫu, hay chích nặn mủ bằng các vật kim loại, thường sẽ làm cho bệnh trầm trọng hơn. Có nhiều bệnh nhân, sau khi nằm viện điều trị kháng sinh không khỏi phải tháo khớp, cắt bớt ngón tay, ngón chân mà bệnh vẫn không hết, tiếp tục ăn vào cả vết mổ, gây trầm trọng hơn.
Theo người dân vùng núi, bệnh rọm do râu mép của con cọp (hổ) khi về già rụi tàn để lại một loại vi khuẩn ký sinh vào cây cối, khi người ta đụng phải nó thì gây nên bệnh rọm… Bệnh thường nhiễm qua bàn tay, chân, biểu hiện ban đầu là vừa nhức vừa ngứa, khi sưng lên thường xuất hiện vệt trắng nhỏ hình bầu dục có tia nhỏ chung quanh.
Có ba loại dược liệu không thể thiếu là cây thuốc rọm, phèn chua và lá chuối tiêu. Sau khi bào chế, miếng thuốc được đắp vào vùng nhiễm trùng của người bệnh, người nhẹ thì vài ba ngày lành, nặng thì phải gần ba tuần. Nguyên tắc là thuốc phải được đắp đều đặn đến khi nào hết đau nhức, liền da…

Sắn dây có những bộ phận thường dùng: củ (còn gọi là cát căn), hoa (cát hoa), dây (cát căn đằng), bột từ củ sắn dây gọi là cát phấn… Sau đây là những bài thuốc trị bệnh từ loại cây này. 


1. Cát căn: theo Đông y, củ sắn dây có vị ngọt, mát, tính bình, đi vào kinh tỳ, vị, phế, bàng quang, có tác dụng thanh nhiệt, giải cơ (chứng cổ gáy bị cứng do cảm nắng, huyết áp cao). Củ sắn cạo sạch vỏ ngoài, thái mỏng theo chiều dọc, phơi khô dùng làm thuốc trị cảm nắng, khô cổ khát nước, ban sởi không mọc được. Mỗi lần nấu từ 8-30 gr, có thể nướng vàng (hay sao vàng) rồi nấu nước uống. Củ sắn dây đem nướng vàng, rồi sắc hoặc tán bột dùng có tác dụng trị tiêu chảy khó tiêu. Ngoài ra, củ sắn dây tươi đem rửa sạch, luộc mềm, ăn sẽ tốt cho tỳ vị và mát cơ thể.
2. Cát hoa: dùng 20-40 gr hoa sắn dây (loại khô) đem nấu nước uống, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, nhất là giải rượu.
3. Cát căn đằng: dùng dây sắn đốt tồn tính (đốt chưa cháy hoàn toàn) rồi đem tán bột, uống với nước có tác dụng trị viêm họng, viêm thanh quản cấp tính.
4. Cát phấn: bột củ sắn dây đem pha với nước lọc, đường, chanh trị chứng cảm nắng đau đầu, khô mũi, tiểu vàng. Bột sắn dây còn trị được kiết lỵ do ăn nhiều thức ăn cay, nóng – bằng cách hòa bột với nước cho tan đều, thêm vào một ít đường, rồi bắc lên bếp, khuấy đều tay đến khi dung dịch này đặc lại là dùng được. Hoặc chế biến “chè bông cau” từ bột củ sắn dây, bằng cách: Đậu xanh đã cà vỡ đem ngâm trong nước cùng một ít muối trong 2 giờ. Nấu nồi nước sôi, cho đậu xanh vào nấu đến khi đậu thật mềm. Dùng bột sắn dây đã hòa tan trong nước lạnh cho từ từ vào nồi đậu xanh, vừa cho vào vừa khuấy đều tay, rồi cho đường, hương liệu vào. Chờ sôi lại khoảng 2 phút chè trong nồi chuyển từ trắng đục sang trong. Món chè này có tác dụng thanh nhiệt, bồi bổ cơ thể.
Trồng 1 gốc sắn dây, mỗi gốc chỉ mất khoảng 2m2 đất, 5kg phân NPK, 1 ít phân chuồng, vài kg kali nhưng thu được từ 55-60 kg củ sắn tươi, chế biến được 10 kg bột sắn khô. Mỗi kg bột sắn khô bán trên thị trường với giá từ 45.000-55.000 đồng. Cây sắn dây được trồng từ khoảng tháng giêng, tháng hai và thu hoạch vào tháng Chạp. Nó có ưu điểm là trồng để tận dụng đất trong vườn nhà, dễ trồng, có thể chống chọi được với thời tiết khô hạn và lạnh giá, lại không bị sâu bệnh phá hại.
5 – Một số ứng dụng cụ thể khác
- Chảy máu mũi suốt ngày không ngừng, tâm thần phiền muộn: Củ sắn dây tươi giã nát, vắt lấy nước cốt, uống mỗi lần một chén con.
- Rắn cắn: Giã lá sắn dây tươi vắt lấy nước uống, bã đắp lên nơi rắn cắn.
- Vết thương chảy nhiều máu: Dùng lá sắn dây tươi giã nát, đắp vào vết thương.
- Viêm ruột, đau bụng đi ngoài giống kiết lỵ, cồn cào, buồn bực, nôn ọe do uống nhầm các thứ thuốc nóng hoặc quá mãnh liệt: Dùng bột sắn dây quấy đường uống; hoặc dùng cát căn 30 g, rau má 20 g giã nát, chế thêm nước, vắt lấy nước cốt uống trong ngày.
- Trẻ sơ sinh miệng mím chặt, sùi bọt mép, không bú được: Lấy một đoạn dây sắn dây đốt thành than, nghiền mịn, dùng khoảng 3-5 g bột hòa với sữa mẹ, nhỏ vào miệng trẻ. Làm như vậy vài lần trẻ sẽ mở miệng và bú được.
- Ngực nóng, thổ huyết không ngừng: Củ sắn dây tươi giã nát, vắt lấy 500 ml uống.

Thứ Năm, 26 tháng 9, 2013

Xà lách xoong là một loại rau cải giàu dinh dưỡng và có nhiều dược tính


Tương truyền rằng ông tổ ngành y Hippocrates đã chọn những nơi gần bờ suối có nhiều xà lách xoong để làm phòng khám bệnh.


 Loại rau này rất giàu nguyên tố kiềm, các loại vitamin (A, C, D, E, K, B1, B2 và B3), các khoáng tố (calcium, phosphorus, potassium…), được y học cổ truyền Tây phương dùng để chữa các bệnh về đường hô hấp như ho, suyễn…
Cách chế biến xà lách xoong để trị ho rất đơn giản, bằng cách cho vào nồi một chén nước và một nắm xà lách xoong rồi đun sôi. Sau đó, bỏ bã và uống phần nước, mỗi ngày uống 3 lần.
Bài thuốc này rất an toàn trong việc trị ho đột ngột do thời tiết hoặc ho kích ứng nhẹ ở đường hô hấp rất tốt mà không hề gây tác dụng phụ. Ngoài ra, nếu ăn xà lách xoong thường xuyên thì sẽ còn được nhiều lợi ích cho sức khỏe như thanh lọc máu, chắc xương và răng, củng cố hệ thần kinh và khử mùi cơ thể.

Thứ Ba, 24 tháng 9, 2013

Vạn thọ hay còn gọi cúc vạn thọ là loài hoa có nhiều ở nước ta. Lá cúc vạn thọ giúp làm mát gan, phổi, giải nhiệt, chữa đau mắt, ho gà, viêm khí quản, viêm miệng, viêm hầu, đau răng, dùng đắp ngoài để trị viêm tuyến mang tai, viêm vú, viêm da có mủ. Liều dùng thông thường từ 10 – 15g cho dạng thuốc sắc.


- Hoa vạn thọ có mùi hương thật dễ chịu. Lá và hoa có nhiều dược tính, nhiều công dụng trong điều trị các bệnh về đường tiêu hóa, kích thích tuần hoàn máu. Hoa vạn thọ có chứa nhiều vitamin C, resins, protein và flavonoids.
- Để điều trị vùng da bị viêm nhiễm, chúng ta giã nhuyễn một nắm hoa vạn thọ và vắt lấy dịch, dùng dịch này để bôi. Dịch ép từ lá cây hoa vạn thọ cũng có tác dụng tương tự. Hoa vạn thọ có thể dùng làm trà để uống khi mắt bị viêm, đau. Để làm trà thì phơi khô hoa vạn thọ, sau đó ngâm vào nước sôi giống như pha trà.
- Hoa vạn thọ cũng có tác dụng làm thư thái tinh thần bằng cách làm nước tắm. Để làm nước tắm, cho hoa vạn thọ tươi vào 1 lít nước rồi đem để vào tủ lạnh 24 giờ. Sau đó, lấy ra và đun sôi 10 phút rồi cho vào bồn tắm hoặc pha thành nước ấm để tắm, chúng ta sẽ thấy rất thoải mái trong những ngày lạnh giá, dù sự lạnh giá xuất phát từ… con tim. Mùi hương và các hóa chất có trong hoa vạn thọ sẽ giúp chúng ta giải tỏa bớt ưu phiền.
- Bị ho gà thì dùng 15g hoa cúc vạn thọ, 10g đường phèn, đem cả hai nấu lấy 150 ml nước chia làm 3 lần dùng trong ngày. Uống liền 3 – 5 ngày như vậy.
- Bị đau răng có thể dùng 5 bông hoa cúc vạn thọ và 5 chiếc lá nhãn, cùng 15 hạt muối ăn giã nhỏ, chia làm 3 phần đều nhau để dùng, mỗi lần đặt một phần như thế vào nơi răng bị đau.
- Đau mắt đỏ thì dùng 10 lá của hoa cúc vạn thọ, và 10 lá dâu non. Rửa sạch cả hai rồi cho vào ca đựng nước, cho nước sôi vào để xông hơi lên phía mắt bị đau (không để quá gần dễ làm bỏng mắt, hoặc sức nóng làm giãn mạch và các mao mạch căng vỡ). Ngày làm một lần, làm trong 2 – 3 ngày như vậy.
- Nổi mụn nhọt (chưa vỡ), dùng 10g lá cúc vạn thọ, 15g lá táo ta, 10 hạt muối ăn giã nhỏ, đắp vào nơi đau. Ngày thay một lần.
- Để chữa hen thì dùng hoa cúc vạn thọ, rau cần, nhân trần, củ tần sét, thài lài tía, rễ bạc đồng nữ, tinh tre mơ (mỗi loại 10g) đem thái nhỏ phơi khô sắc uống ngày 1 thang như thế.
- Bị kiết lỵ thì lấy 15g hoa cúc vạn thọ đem giã nát vắt lấy nước trộn với ít đường để uống…

Giàu vitamin nên quả ớt được cho là có ích trong việc điều trị nhiều bệnh. Sau đây là một số lợi ích từ quả ớt, theo báo The Times of India:

Bảo vệ mắt và da: Ăn ớt giúp chống phát ban, bảo vệ da. Do chứa nhiều vitamin A nên ăn ớt tốt cho mắt và giúp ngăn ngừa các bệnh về mắt.

Phòng chống ung thư: Ớt chứa hợp chất được gọi là capsaicin, có tác dụng ngăn chặn các chất sinh ung thư gây tổn hại cho ADN và bảo vệ cơ thể khỏi bệnh ung thư.

Quả ớt
Giảm đau: Chất capsaicin giúp chặn đứng quá trình truyền tải cơn đau từ da đến tủy sống, qua đó giúp giảm đau đớn. Nó rất hữu ích trong điều trị các bệnh liên quan đến đau đớn.
Đốt cháy calo: Ăn ớt giúp đẩy nhanh quá trình trao đổi chất và giúp đốt cháy nhiều calo. Ớt còn có tác dụng giảm béo do chế độ ăn uống nhiều chất béo gây ra. Ăn ớt giúp tăng tiết dịch tiêu hóa, ngừa chứng khó tiêu. Chứa nhiều chất tốt cho tim mạch, ớt còn giúp điều hòa huyết áp, giảm cholesterol xấu và chất béo gây hại triglyceride trong cơ thể.
Giúp mọc tóc: Chiết xuất từ ớt là một trong những sản phẩm kích thích tóc mọc tốt nhất. Nó có tác dụng ngừa rụng tóc, giúp duy trì mái tóc dày.

Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2013

Khế chua tiêu viêm, lợi tiểu

Cây khế có tên khác là ngũ liễm tử, ngũ lăng tử. Là cây gỗ thường xanh cao tới 10-12m. Lá kép lông chim, mỏng hình trái xoan nhọn. Cụm hoa ngắn, thành chùm xim, ở nách các lá, màu hồng hay tím. Quả to, tiết diệt hình ngôi sao 5 múi. Mùa hoa tháng 4 – 8, quả tháng 10 – 12. Trong múi khế chua, hàm lượng acid oxalic là 1%. Ngoài ra có những yếu tố vi lượng như Ca, Fe, Na và nhất là có nhiều vitamin K. Có các vitamin A,C, B1, B2 và P…

Trong y học cổ truyền thường sử dụng khế chua để chữa bệnh. Quả khế vị chua và ngọt, tính bình; có tác dụng tiêu viêm, lợi tiểu, làm long đờm và tiết nước bọt. Rễ khế vị chua, tính bình; có tác dụng trừ phong thấp, giảm đau. Thân và lá vị chua và se, tính bình; có tác dụng tiêu viêm, lợi tiểu. Hoa vị ngọt, tính bình.

Một số bài thuốc thường dùng
- Chữa cảm sốt, nhức đầu, đi tiểu ít: Lá khế tươi 100g sao thơm, nấu với 750ml nước, sắc còn 300ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn. Hoặc dùng lá khế tươi 100g, lá chanh tươi 20 – 40g, hai thứ rửa thật sạch, giã nát, vắt lấy nước chia 2 lần uống trước bữa ăn.
- Chữa lở sơn, mày đay: Lá khế khoảng 20g rửa sạch cho vào nồi nấu nước uống. Lấy 1 nắm lá khế, rửa sạch giã lấy nước cốt đặp lên vùng da bị tổn thương.
- Chữa cảm cúm: đau người, hắt hơi sổ mũi, ho. Dùng 3 quả khế nướng vắt nước cốt hòa 50ml rượu để uống. Uống sau bữa ăn 30 phút.
- Chữa đái dắt, đái buốt: Dùng lá khế 100g, rễ cỏ tranh 40g. Cho 500ml nước đun nhỏ lửa còn 150ml nước, ngày một thang, chia 2 lần. Dùng liền 3 thang, sau đó tái khám. Mỗi liền trình có thể dùng 10 – 15 thang. Hoặc khế chua 7 quả, mỗi quả chỉ lấy 1/3 phía gần cuống. Nấu với 600ml nước, sắc còn 300ml, uống lúc còn ấm nóng.
- Chữa viêm họng: Lá khế 40g rửa sạch, thêm vài hạt muối giã nhỏ vắt nước cốt ngậm, ngày nhiều lần.
- Chữa ho do lạnh có đờm: Hoa khế 20g sao qua, sau đó tẩm nước gừng đem sao tiếp. Sắc lấy nước uống. Có thể thêm cam thảo nam 12g, tía tô 8 – 10g, kinh giới 8 – 10g. Cho 750ml nước, đun còn 300ml, chia 3 lần uống trong ngày. Dùng liền 6 ngày.

Rau cải bó xôi thuộc họ rau muối, là loại rau giàu dinh dưỡng, dễ dung nạp, dùng tốt cho mọi lứa tuổi. Rau cải bó xôi còn được dùng làm thuốc (phối hợp rau với thuốc) và có thể sắc lấy nước làm thuốc đơn thuần. Trong cải bó xôi có nhiều natri, kali, canxi, phospho, magnesi, sulfur, mangan, kẽm, sắt, đồng…; nhiều vitamin B, C, tiền vitamin A, B12 và protid, glucid, lipid, nước, chất xơ… Do trong rễ của cải bó xôi có chất glucosid tác dụng làm giảm mỡ cholesterol trong máu, rau cải bó xôi tính ngọt, mát nên cải bó xôi còn được dùng chữa tăng huyết áp. Ngoài ra còn có tác dụng làm sáng mắt, bổ âm huyết chữa thiếu máu, suy nhược cơ thể, thanh nhiệt tiêu độc, chống chảy máu…


Một số cách dùng cải bó xôi chữa tăng huyết áp:
Bài 1: Cải bó xôi 300g, gừng tươi 15g, hành 10g, xì dầu 10g, dầu vừng 10g, muối 6g, tỏi 5g. Tỏi, gừng giã nhuyễn vắt lấy nước, hành tỉa hoa, cải bó xôi rửa sạch, nhúng nước sôi vắt ráo. Cho tất cả vào trộn đều. Ngày ăn 2 lần với cơm. Công dụng: Bổ âm nhuận phế, hạ huyết áp, dưỡng huyết, chỉ huyết.
Bài 2: Cải bó xôi, sứa biển lượng tùy ý, dầu vừng, muối, gia vị một ít. Cải bó xôi rửa sạch nhúng vào nước sôi 2-3 phút rồi vớt ra. Sứa biển rửa sạch thái nhỏ nhúng qua nước sôi. Cả hai thứ cho vào bát, cho thêm dầu vừng, ít muối, gia vị trộn đều ăn. Công dụng: chữa huyết áp cao gây đỏ mặt (bốc hỏa), nhức đầu.
Bài 3: Cải bó xôi 250g, rau cần 250g, dầu vừng, gia vị vừa đủ. Cải bó xôi rửa sạch bỏ rễ, thái khúc nhúng vào nước sôi khoảng 2-3 phút rồi vớt ra, cho vào bát, thêm dầu vừng, gia vị vào trộn đều, ăn với cơm hoặc để nấu cháo. Công dụng: hạ huyết áp.
Bài 4: Cải bó xôi 300g, mực tươi 300g, tỏi 20g, xì dầu 10g, dầu 50g, hành 10g, muối 5g. Cải bó xôi rửa sạch cắt đoạn 5cm, mực tươi làm sạch cắt khúc 4cm. Đổ dầu vào chảo, phi thơm hành tỏi cho mực vào xào sơ rồi cho rau và các gia vị vào xào chín. Ngày ăn 1 lần với cơm. Công dụng: Bổ âm dưỡng huyết, chữa tăng huyết áp
Design by Hao Tran -