Hiển thị các bài đăng có nhãn bệnh thường gặp. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn bệnh thường gặp. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 12 tháng 9, 2013

Lạm dụng kháng sinh khiến nhiều người phải nhập viện do bị dị ứng, nhiều bệnh nhân không khỏi bệnh cũng vì tùy tiện tự kê đơn kháng sinh.


Bệnh gì cũng... kháng sinh !

Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Trung tâm dị ứng miễn dịch lâm sàng - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) thì trung tâm thường xuyên tiếp nhận các ca dị ứng thuốc vào khám, điều trị, trong đó dị ứng do kháng sinh chiếm tỷ lệ cao nhất.

“Việc tự mua thuốc, mua kháng sinh điều trị chiếm tỷ lệ cao trong các ca dị ứng thuốc. Nhiều trường hợp không phải dùng kháng sinh nhưng bệnh nhân vẫn tự mua uống, do nhiều người vẫn lầm tưởng cứ sốt là uống kháng sinh”, bác sĩ Bùi Văn Khánh, Trung tâm dị ứng miễn dịch lâm sàng, cho biết.
Lưu ý khi sử dụng thuốc kháng sinh

Bệnh nhân nam, 38 tuổi, ở Q.Đống Đa, Hà Nội vào khám trong tình trạng mẩn ngứa, môi sưng tấy. Khoảng 3 tuần trước khi vào viện, bệnh nhân bị đau răng và ra nhà thuốc tư nhân mua thuốc uống. “Sau khi dừng uống kháng sinh này được khoảng 2 tuần thì tôi bị nóng rát họng và cảm giác sốt nên ra nhà thuốc mua kháng sinh viêm họng. Nhà thuốc bán cho tôi cả kháng sinh và ngậm ho. Lần này dùng thuốc đến ngày thứ ba thì tôi thấy có những nốt mẩn đỏ, cảm giác khó thở”.

Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, việc sử dụng kháng sinh không phù hợp làm tăng nguy cơ gặp phải các tác dụng không mong muốn do thuốc và đặc biệt là làm tăng nguy cơ kháng kháng sinh (tình trạng điều trị bệnh không hiệu quả do vi khuẩn đã “làm quen”, lờn với thuốc). Theo TS Nguyến Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, rất nhiều trẻ (khoảng 40%) đã được cha mẹ “điều trị” bằng kháng sinh trước khi đưa trẻ đến khám bác sĩ. Nhiều trường hợp ho, sốt do vi rút cũng được cho dùng kháng sinh, trong khi thuốc này chỉ được dùng khi nhiễm vi khuẩn.

Cảnh báo kê đơn bất hợp lý

Theo nghiên cứu (năm 2009-2010) do Cục Quản lý khám chữa bệnh thực hiện, về thực trạng sử dụng kháng sinh trên hơn 1.000 hồ sơ bệnh án tại các khoa điều trị tích cực của 19 bệnh viện lớn thuộc Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM, cho thấy tỷ lệ sử dụng kháng sinh không phù hợp chiếm tới 74%. Việc sử dụng kháng sinh không phù hợp khiến thất bại điều trị ở nhóm bệnh nhân này lên tới 63% so với 40% ở nhóm dùng kháng sinh phù hợp. 88% nhà thuốc thành thị và 91% là ở nông thôn bán kháng sinh không theo đơn.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, điều trị kháng sinh cho bệnh nhân không nhiễm trùng, lạm dụng kết hợp kháng sinh, tiếp tục dùng kháng sinh cho bệnh nhân không có đáp ứng... là những sai lầm thường gặp trong sử dụng kháng sinh.

Thứ Hai, 9 tháng 9, 2013

Có rất nhiều thuốc có tác dụng hạ sốt, giảm đau, tuy nhiên, cho đến nay loại thuốc được sử dụng nhiều nhất là paracetamol (PCM hay còn gọi là acetaminiphen). Trên thị trường hiện nay có đến hơn 300 tên thuốc có PCM. Việc có quá nhiều tên biệt được, lại là thuốc bán không cần kê đơn (thuôc OTC) cho nên PCM được sử dụng khá phổ biến trong nhân dân. Nhiều người không biết đã dùng cùng lúc 2-3 loại thuốc mà trong thành phần đều có PCM. Thậm chí, do thuốc được dùng quá phổ biến, nhiều gia đình còn tồn đọng hàng chục viên PCM chưa sử dụng đã xảy ra những trường hợp tự tử bằng cách uống PCM với liều rất cao gây ngộ độc cấp.
PCM – loại thuốc có lịch sử lâu đời và có nhiều dạng bào chế
Từ thế kỷ thứ 5 trước công nguyên, một loại bột có vị đắng chiết xuất từ vỏ cây liễu có tác dụng hạ sốt và giảm đau được sử dụng là salicin, sau này được điều chế lại thành acid salycilic, tên thông dụng là aspirin. Trong quá trình tinh chế và phân lập acid salycilic, PCM đã được tạo ra. Tên hóa học PCM hay acetaminophen xuất phát từ công thức hóa học của chất này là Nacetyl-paraaminophenol và para-acetyl-aminophenol.

Rất nhiều dạng thuốc chứa hoạt chất paracetamol dễ gây nhầm lẫn cho người bệnh. Ảnh minh họa
PCM có công dụng hạ sốt, giảm đau nhưng ít gây cảm giác khó chịu ở đường ruột, cũng như ít các tác dụng phụ hơn so với aspirin. PCM đã trở thành một loại thuốc hạ sốt và giảm đau phổ biến nhất trên thế giới hiện nay và là loại thuốc được bán không cần đơn của bác sĩ. Nó được nhiều công ty dược sản xuất với nhiều tên thương mại khác nhau và được trình bày theo nhiều dạng sử dụng khác nhau. Trong đó có 4 dạng thuốc hạ sốt, giảm đau chứa PCM phổ biến hiện nay đang sử dụng rộng rãi trong cộng đồng là:
- Thuốc viên nén hoặc viên nhộng với nhiều loại, nhiều liều lượng khác nhau. Có 3 liều lượng phổ biến cho dạng viên là: 100mg, 325mg và 500mg. Một số nhà sản xuất có loại thuốc dạng viên nén sủi bọt, có 2 dạng viên thường gặp là: viên chứa 330mg và 500mg PCM.
- Thuốc dạng bột chứa trong gói: thường có vị ngọt thích hợp cho trẻ em. Có 3 liều lượng phổ biến cho dạng thuốc gói này là 80mg, 150mg và 250mg.
- Dạng sirô: thông thường liều lượng là 120mg cho 5ml dung dịch. Dạng sirô thường có dụng cụ đong thuốc kèm theo giúp các phụ huynh có thể lường được liều thuốc từ: 2,5ml, 5ml đến 7,5ml. Trên nhãn chai, các nhà sản xuất thường in liều lượng uống theo lứa tuổi, nhưng vì liều lượng thuốc ở trẻ em phụ thuộc vào cân nặng nên có thể liều lượng hướng dẫn trên nhãn chai thuốc sẽ không phù hợp.
- Dạng thuốc viên nhét hậu môn: phải làm cứng viên thuốc trước khi nhét cho trẻ bằng cách làm đông lạnh. Dạng thuốc này chỉ nên sử dụng hạn chế khi trẻ không uống được, nôn ói nhiều, đang co giật hoặc trẻ đang ngủ mà bạn không muốn đánh thức trẻ dậy. Vì đường hấp thu tự nhiên của cơ thể là đường uống nên các phụ huynh chuyển sang cho trẻ uống càng sớm càng tốt. Dạng thuốc nhét hậu môn sẽ không dùng được khi trẻ bị tiêu chảy, bị viêm hoặc có vết thương vùng hậu môn và dạng thuốc này cũng có thể gây ngứa hậu môn khi dùng.
Thời gian tác dụng của đa số thuốc có chứa PCM là khoảng 30 phút sau khi dùng thuốc. Tuy vậy, thời điểm thuốc có tác dụng nhiều nhất, tốt nhất là 2 giờ sau khi dùng thuốc. Do đó, sau khi uống thuốc, bệnh nhân phải đợi cho đủ thời gian như trên thì thuốc mới có tác dụng, không nên lo lắng mà uống thêm thuốc sẽ gây quá liều có thể bị tổn thương gan do PCM rất độc với gan ở liều cao. Đối với trẻ em, liều dùng PCM được tính theo cân nặng với mức dao động từ 10 – 15mg cho mỗi kg thể trọng cho 1 lần uống. Khoảng cách giữa 2 lần uống được khuyến cáo là từ 4 – 6 giờ nếu trẻ bị sốt.
Ngộ độc thuốc PCM và cách xử trí
Mặc dù các loại thuốc hạ sốt, giảm đau có PCM được bán không cần theo đơn nhưng khi sử dụng, liều lượng thuốc cần phải thận trọng. Vì PCM có rất nhiều tên thương mại khác nhau và được trình bày theo nhiều dạng sử dụng khác nhau nên đã có nhiều ca ngộ độc PCM do sử dụng quá liều.
PCM với liều điều trị hầu như không có tác dụng phụ, không gây tổn thương đường tiêu hóa, không gây mất thăng bằng kiềm toan, không gây rối loạn đông máu. Tuy nhiên, khi dùng liều cao (>10g) sau thời gian tiềm tàng 24 giờ, xuất hiện hoại tử tế bào gan có thể tử vong sau 5 – 6 ngày. Biểu hiện của ngộ độc PCM là buồn nôn, nôn và đau bụng thường xảy ra trong vòng 2 – 3 giờ sau khi uống liều độc của thuốc. Met-hemoglobin máu, dẫn đến chứng xanh tím da, niêm mạc và móng tay là một dấu hiệu đặc trưng nhiễm độc cấp tính dẫn chất para – aminophenol, một lượng nhỏ sulfhemoglobin cũng có thể được sản sinh. Trẻ em có khuynh hướng tạo met-hemoglobin dễ hơn người lớn sau khi uống PCM. Khi bị ngộ độc nặng, ban đầu có thể vật vã, kích thích mê sảng. Sau đó có thể là ức chế hệ thần kinh trung ương, hạ thân nhiệt, mệt lả, thở nhanh, nông, mạch nhanh, yếu, không đều, huyết áp tụt và suy tuần hoàn, giảm oxy huyết tương đối và cơn co giật ngẹt thở gây tử vong có thể xảy ra.
Nguyên nhân do PCM bị oxy hóa ở gan cho N-acetyl parabenzoquinonimin. Bình thường, chuyển hóa này bị khử độc ngay bằng liên hợp các glutathion của gan. Nhưng khi dùng liều cao, N-acetyl parabenzo quinonimin quá thừa sẽ gắn vào protein của tế bào gan và gây hoại tử tế bào.
Điều trị
- Cần rửa dạ dày trong mọi trường hợp, tốt nhất trong vòng 4 giờ sau khi uống.
- Liệu pháp giải độc chính là dùng những hợp chất sulfhydryl, có lẽ tác động một phần do bổ sung dự trữ glutathion ở gan. N-acetyl cystein (NAC) là tiền chất của glutathion có tác dụng khi uống hoặc tiêm tĩnh mạch.
Phải cho thuốc ngay lập tức nếu chưa đến 36 giờ kể từ khi uống PCM, nếu sau 36 giờ gan đã bị tổn thương thì kết quả điều trị sẽ kém. Dùng NAC uống để giải độc thuốc PCM. Tuy nhiên, nếu người bệnh không dung nạp với thuốc NAC dạng uống với biểu hiện nôn ói, nên truyền tĩnh mạch NAC dạng tiêm mà biệt dược là fluimucil.
- Ngoài ra, có thể dùng than hoạt hoặc thuốc tẩy muối hay nước chè đặc để làm giảm hấp thu PCM.
Viêm mũi xoang được định nghĩa là tình trạng viêm niêm mạc của mũi và các xoang cạnh mũi gây ra do nhiều nguyên nhân khác nhau như nhiễm khuẩn, dị ứng… Tùy theo thời gian diễn biến của bệnh, viêm mũi xoang được chia làm 3 thể là viêm mũi xoang cấp tính kéo dài dưới 4 tuần, viêm mũi xoang bán cấp kéo dài 4 – 8 tuần và viêm mũi xoang mạn tính kéo dài ít nhất 8 – 12 tuần bất chấp việc điều trị. Trong khi nhiễm trùng đường hô hấp trên là nguyên nhân chủ yếu gây viêm mũi xoang cấp tính thì viêm mũi dị ứng và không dị ứng là các nguyên nhân chủ yếu gây ra viêm mũi xoang bán cấp và mạn tính.
Viêm mũi xoang cấp thường gây ra do các tác nhân nhiễm khuẩn (vi khuẩn hoặc virut) với các triệu chứng chủ yếu là chảy nước mũi vàng đục (mũi trước hoặc mũi sau hoặc cả hai), nghẹt tắc mũi và đau tức, sưng nề vùng mặt.
Trong viêm mũi xoang mạn tính, nhiễm khuẩn cũng đóng vai trò quan trọng trong cơ chế bệnh sinh, nhưng không rõ rệt như trong viêm mũi xoang cấp tính. 4 triệu chứng chủ yếu của viêm mũi xoang mạn tính là:
- Chảy nước mũi đục ở mũi trước hoặc mũi sau hoặc cả hai.
- Nghẹt hoặc tắc mũi.
- Đau tức, sưng nề vùng mặt, đau đầu.
-  Mất khả năng ngửi.
Để chẩn đoán bệnh cần sự xuất hiện của ít nhất 2 trong 4 triệu chứng kể trên. Đau căng tức vùng mặt và đau đầu là triệu chứng rất hay gặp, thường được mô tả là tình trạng đau âm ỉ ở vùng má trên, giữa 2 mắt hoặc trán. Chảy mũi trong viêm mũi xoang mạn tính thường là nước mũi trắng đục hoặc vàng nhạt, mặc dù nước mũi vàng đậm, xanh hoặc nâu cũng có thể gặp. Khứu giác có thể bị giảm sút một phần hoặc hoàn toàn và thường có liên quan với tình trạng dày niêm mạc hoặc mờ đục của xoang sàng trước. Đôi khi, tình trạng mất ngửi gây ra do thoái hóa dây thần kinh khứu giác.

Vị trí viêm xoang.
Điều trị viêm mũi xoang cấp tính
Điều trị viêm mũi xoang cấp tính thường đòi hỏi sử dụng một loại kháng sinh thích hợp với đủ liều lượng trong thời gian trung bình là 10-14 ngày. Kháng sinh nên được lựa chọn đầu tiên là amoxicillin. Nếu bệnh nhân không đáp ứng sau 3 ngày dùng thuốc có thể chuyển sang các kháng sinh có phổ tác dụng rộng hơn như cefuroxime, amoxicillin – clavulanate, clarithromycin hoặc levofloxacin. Các biện pháp điều trị khác có thể được sử dụng trong điều trị viêm mũi xoang cấp là dùng các thuốc co mạch (như xylomethazolin, oxymethazolin nhỏ tại chỗ hoặc pseudoephedrine 30 – 60mg uống 2 – 4 lần mỗi ngày, lưu ý không dùng quá 5 – 7 ngày), rửa mũi thường xuyên bằng nước muối sinh lý, tăng cường bù dịch và nhỏ mũi bằng các dung dịch có chứa corticosteroid (như hydrocortisone, dexamethasone) để giảm phù nề ở mũi và mở rộng các lỗ xoang.
Điều trị viêm mũi xoang mạn tính
Kế hoạch điều trị tương tự như với viêm mũi xoang cấp tính, ngoại trừ việc phải dùng kháng sinh trong một thời gian lâu hơn (3 – 6 tuần) và sử dụng kéo dài các thuốc xịt mũi có chứa corticosteroid như fluticasone propionate, budesonide, mometasone hoặc beclomethasone. Nên dùng sớm các kháng sinh phổ rộng như cefuroxime, clarithromycin, levofloxacin hoặc azithromycin ngay từ đầu thay vì lựa chọn amoxicillin như trong viêm mũi xoang cấp. Trong những trường hợp không đáp ứng với các kháng sinh kể trên mà bệnh nhân thở hơi thở có mùi hôi cần nghĩ đến nguyên nhân nhiễm khuẩn do vi khuẩn kỵ khí và nên phối hợp thêm các kháng sinh có tác dụng với loại vi khuẩn này như metronidazole hoặc clindamycin. Viêm mũi xoang do nấm thường đòi hỏi điều trị bằng phẫu thuật kết hợp với dùng thuốc chống nấm. Các thuốc như montelukast, zifirlukast, zileuton cũng có thể được sử dụng ở những bệnh nhân viêm mũi xoang mạn tính có polyp mũi hoặc nhạy cảm với aspirin. Phẫu thuật xoang thường được chỉ định ở những bệnh nhân thất bại với điều trị nội khoa một cách triệt để sau ít nhất 4 – 6 tháng. Phương pháp thường sử dụng là mở rộng lỗ xoang hàm và xoang sàng, cắt bỏ polyp mũi. Bệnh nhân cần được rửa mũi tích cực và tiếp tục sử dụng corticosteroid xịt mũi sau phẫu thuật. Cần lưu ý là những bệnh nhân có polyp mũi thường có xu hướng tái phát polyp sau phẫu thuật.
Trong một số trường hợp, viêm mũi xoang mạn tính có thể rất “bướng bỉnh” cho dù được điều trị tích cực hoặc thậm chí được phẫu thuật, người bệnh vẫn tiếp tục xuất hiện các đợt viêm mũi xoang tái phát.
Design by Hao Tran -