Hiển thị các bài đăng có nhãn dị ứng thuốc. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn dị ứng thuốc. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 10 tháng 9, 2013

Nhiều người biết rõ dược phẩm có thể gây dị ứng nhưng sẽ ngạc nhiên khi biết được co loại thực phẩm chức năng (TPCN) gây dị ứng rất nặng. Bởi vì chữ “thực phẩm” trong TPCN thường được hiểu tính chất “hiền lành” giống như thức ăn thức uống ta dùng hàng ngày. Thế mà mới đây có người dùng chế phẩm TPCN để trị bệnh lupus ban đỏ đã bị dị ứng rất nặng, phải nhập viện.


Thế nào là TPCN?
TPCN là những chế phẩm bắt nguồn từ thực phẩm đã được thay đổi thành phần qua chế biến, bổ sung nhằm đưa đến tác dụng sinh lý nào đó có lợi cho sức khỏe ngoài việc cung cấp chất dinh dưỡng cơ bản. Các TPCN được bày bán với bao bì chai lọ giống chai lọ thuốc và dạng bào chế là viên nén, viên nang giống y như viên thuốc nhưng không được xem là thuốc. Trên nhãn, bao bì của TPCN bắt buộc phải ghi rõ: “Đây không phải là thuốc và không được dùng để thay thế thuốc”. Lấy ví dụ sản phẩm là vitamin và chất khoáng, nếu nhà sản xuất đăng ký là thuốc thì sản phẩm đó là thuốc phải bán trong nhà thuốc. Nhưng nếu đăng ký là TPCN thì chế phẩm vitamin và chất khoáng được đăng ký như một thực phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm, có thể bày bán không chỉ ở nhà thuốc (phải để ở nơi biệt lập tách rời khu vực dược phẩm) mà ở các siêu thị. Mặc dù là TPCN, phải dùng đúng liều lượng theo hướng dẫn thì mới an toàn. Còn dược thảo, đa số là các vị thuốc Đông y, là loại nằm trong các sản phẩm gọi là dược liệu và dược liệu nói chung là các nguyên liệu dùng làm thuốc chủ yếu là cây cỏ (dược thảo) nhưng có thể là động vật (như tắc kè, hải mã…) hoặc khoáng chất (hàn the, hoạt thạch…). Nếu chế phẩm bào chế từ dược liệu đăng ký là thuốc thì đó được xem là thuốc, nhưng đăng ký là TPCN thì đó không phải là thuốc mà là TPCN. Trong nhiều trường hợp, TPCN là trung gian giữa thực phẩm và thuốc. Vì vậy, nếu thuốc nói chung có thể gây dị ứng thì TPCN cũng có thể gây tác dụng hết sức bất lợi này.
Nguy hiểm như dùng thuốc
Bản thân các dược thảo, chế phẩm bắt nguồn từ thực phẩm có trong TPCN không gây dị ứng nhưng các tá dược hay chất bảo quản có trong TPCN (nên lưu ý bất cứ TPCN nào cũng đều chứa tá dược và chất bảo quản) đều có nguy cơ gây dị ứng, thậm chí gây dị ứng rất nặng. Do đó, cũng giống như thuốc, TPCN cũng gây dị ứng và trong trường hợp này cũng có thể gọi là “dị ứng thuốc”. Vì sao thuốc và TPCN gây dị ứng?
Một ca dị ứng TPCN
Khi sử dụng thuốc bằng cách đưa thuốc hay TPCN (thậm chí là một số thức ăn kiểu như tôm, cua…) vào trong cơ thể, thuốc được xem là “chất lạ”. Phản ứng tự nhiên của cơ thể ta là chống lại chất lạ đó bằng những phản ứng gọi là phản ứng kháng nguyên – kháng thể. Kháng nguyên chính là “chất lạ” còn kháng thể là các chất do bạch cầu sinh ra có tên immunoglobulin (Ig) với nhiều loại IgM, IgG, IgA, IgE… sẽ gắn vào kháng nguyên để vô hiệu hóa. Đối với một số người gọi là nhạy cảm dễ bị dị ứng, phản ứng kháng nguyên – kháng thể xảy ra mãnh liệt đưa đến rối loạn gọi là dị ứng.Dị ứng thuốc hay dị ứng TPCN chính là phản ứng khác thường của cơ thể khi tiếp tục lần thứ hai hay những lần sau với một thuốc hay TPCN mà thành phần của thuốc hay chế phẩm có tính chất gọi là “gây dị ứng” (tính chất gây dị ứng trong chuyên môn gọi là dị nguyên).
Một số đặc điểm của dị ứng thuốc
- Dị ứng thuốc không phụ thuộc vào liều lượng nên sẽ xảy ra dị ứng dù thuốc hay TPCN dùng đúng liều hoặc thậm chí dùng thuốc rất ít, tức dưới liều chỉ định.
- Phản ứng dị ứng chỉ xảy ra ở một số ít bệnh nhân gọi là người dễ dị ứng, hoặc người có “cơ địa dị ứng” (đã bị viêm mũi dị ứng hay hen suyễn… ). Cho nên, có thuốc nhiều người dùng chẳng việc gì nhưng dùng ở người khác thì bị dị ứng, thậm chí dị ứng rất nặng.
- Trong thuốc, ngoài dược chất còn có tá dược, chất bảo quản, kể cả tạp chất và người dùng thuốc có thể bị dị ứng với bất cứ thành phần nào trong đó.
- Phản ứng dị ứng sẽ biến mất với việc ngưng dùng thuốc.
Dị ứng thuốc hay dị ứng TPCN biểu hiện bằng nhiều dạng. Nặng nhất là sốc phản vệ biểu hiện bằng chứng xanh tím tái, tụt huyết áp, loạn nhịp tim, trụy tim mạch, có thể gây chết người. Hoặc biểu hiện nhẹ hơn ở nhiều cơ quan khác nhau: trên da nổi mề đay, mẩn ngứa; trên hệ hô hấp khó thở, hen suyễn; trên hệ tiêu hóa đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy; trên mắt bị viêm đỏ kết mạc…
Dị ứng thuốc được phân loại 4 kiểu (gọi là týp 1, 2, 3, 4), trong đó có “phản ứng tức thì kiểu phản vệ” (týp 1) xảy ra nhanh, khởi phát sau khi tiếp xúc thuốc khoảng 15 phút. Có phản ứng chậm hơn gọi là “phản ứng độc tế bào” (týp 2) với triệu chứng xuất hiện sau vài giờ. Hoặc xuất hiện sau vài ngày như hội chứng Stevens – Johnson, hội chứng Lyell gây bong da, tróc niêm mạc như bị bỏng toàn thân.
Về đường dùng thuốc, không chỉ dùng dạng uống hay tiêm mới dễ bị dị ứng thuốc mà dùng dạng thuốc cho tác dụng tại chỗ như thuốc bôi ngoài da hay thuốc nhỏ mắt cũng bị dị ứng thuốc. Có người dùng thuốc nhỏ mắt có chứa sulfamid đã bị hội chứng Stevens – Johnson rất nặng hoặc thậm chí có thể bị sốc phản vệ.
Không tùy tiện dùng TPCN
Để phòng tránh tình trạng dị ứng thuốc và TPCN, cần lưu ý các điều sau:
- Xem việc dùng thuốc là hệ trọng, chỉ dùng thuốc khi thật sự cần thiết và có sự hiểu biết tối thiểu về cách dùng, liều lượng, tính năng, tác dụng phụ của thuốc. Nếu có gì nghi ngờ về bệnh của mình thì cách tốt nhất đến bác sĩ khám để được chỉ định dùng đúng thuốc. Còn đối với TPCN hay thuốc Đông y cũng thế, chỉ dùng khi thật sự cần thiết và luôn cảnh giác rằng nguy cơ bị dị ứng có thể xảy ra. Riêng trường hợp dùng TPCN hay thuốc Đông y trị lupus ban đỏ là không xác đáng vì cho tới nay chưa có TPCN hay thuốc Đông y nào chứng minh được hiệu quả rõ rệt trong điều trị lupus ban đỏ.
- Khi đang dùng thuốc hay bất cứ TPCN nào nếu xảy ra các phản ứng bất thường như: ngứa, nổi mề đay, khó thở, hoặc cảm thấy rất khó chịu thì ngưng ngay thuốc đó, đến tái khám ở bác sĩ đã chỉ định thuốc để bác sĩ cho hướng xử trí thích hợp (có thể phải đổi thuốc nếu đang dùng thuốc gây dị ứng).
- Khi đã bị dị ứng loại thuốc hay TPCN nào thì tuyệt đối không dùng loại thuốc đó. Khi đi khám ở bác sĩ hoặc đến nhà thuốc mua thuốc phải thông báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết những loại thuốc và TPCN đã bị dị ứng trước đây và những loại thuốc hiện đang dùng.
Khi dùng thuốc điều trị bệnh, bao gồm tất cả các loại thuốc tây, thuốc ta… tức là đưa những “chất lạ” vào cơ thể. Cơ thể có thể chấp nhận những “chất lạ” đó với phản ứng bình thường, không ảnh hưởng đến các quá trình sinh học khác của hoạt động sống. Nhưng đôi khi, những hóa chất trong các thuốc điều trị lại gây ra các phản ứng quá mẫn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động khác của cơ thể. Đó là tình trạng dị ứng thuốc, có khi chỉ là các triệu chứng nhẹ như ngứa ngáy, nổi mày đay… nhưng cũng có thể nghiêm trọng như sốc phản vệ, dẫn đến tử vong.
Vì sao cơ thể bị dị ứng thuốc?
Histamin là một chất có sẵn trong cơ thể như máu và các mô dưới dạng liên kết tĩnh điện histamine-héparine không có hoạt tính. Khi có chất lạ vào cơ thể người dễ bị dị ứng thì nối tĩnh điện này bị cắt đứt, phóng thích histamin tạo nên tác dụng dược lực tác động lên hệ tuần hoàn làm giãn mạch gây tụt huyết áp, lên tim làm tim đập nhanh, lên não gây nhức đầu do bị tăng áp lực nội sọ, lên hô hấp làm co thắt khí phế quản gây nghẹt thở, lên hệ tiêu hóa làm co thắt cơ trơn… Vì thế, các thuốc chống dị ứng thường được gọi chung là nhóm kháng histamin.



 Bác sĩ hướng dẫn cách dùng thuốc cho người bệnh.      Nguồn dantri
Khi histamin được phóng thích tự do trong cơ thể, hiện tượng dị ứng xảy ra được biểu hiện dưới các hình thức:
Dị ứng thuốc nhẹ: Xuất hiện sớm ngay sau khi dùng thuốc hay trễ hơn sau đó.
- Mẩn ngứa, phát ban, nổi mề đay tại chỗ hay toàn thân, mắt ngứa, đỏ, tụt huyết áp do mao mạch bị giãn nở.
Khó thở, hen suyễn do khí phế quản bị co thắt.
Kích thích cơ trơn đường tiêu hóa gây co thắt, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy.
Dị ứng thuốc trầm trọng: Xảy ra sau vài giờ hay vài ngày dùng thuốc: Hội chứng Lyell, hội chứng Stevens- Johnson.
Dị ứng thuốc nặng: “sốc” thuốc còn gọi là choáng phản vệ.
- Xảy ra rất nhanh sau khi tiêm hoặc uống thuốc, bệnh nhân khó thở, tím tái, trụy tim mạch. Đây là trường hợp dễ dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
- Có nhiều triệu chứng dị ứng thuốc không có biểu hiện rõ ràng mà người bệnh không thể nào biết như sau khi uống thuốc bị rối loạn tiền đình, suy thận, mất tế bào máu…
Các nhóm bệnh lý dị ứng thuốc
Dị ứng thuốc thuộc nhóm bệnh lý quá mẫn, được chia thành 4 nhóm:
Týp I: Phản ứng miễn dịch kiểu trung gian IgE, thuộc nhóm bệnh lý quá mẫn nhanh (sốc phản vệ) do cơ thể tiếp xúc với kháng nguyên từ lần thứ hai trở đi, thường xảy ra do thuốc dùng đường tiêm. Phản ứng có thể xảy ra đột ngột khi đang tiêm thuốc, vừa ngừng mũi tiêm hay trong vòng chỉ một vài phút sau. Bệnh có liên quan đến cơ địa bệnh nhân, thường biểu hiện các triệu chứng hen, mày đay, phù mạch.
Týp II: Phản ứng quá mẫn độc tế bào, xảy ra do cơ thể bị kích thích sinh quá nhiều kháng thể (IgM và IgG) dị ứng chống tế bào của chính mình, kết hợp với kháng nguyên (thuốc) tạo ra phức hợp miễn dịch kháng nguyên – kháng thể. Các bệnh phổ biến thuộc nhóm này là tan máu tự nhiên, giảm tiểu cầu tự miễn sau truyền máu, hạ bạch cầu hoặc do thuốc (hội chứng Stevens-Johnson, hội chứng Lyell).
Týp III: Nhóm quá mẫn do phức hợp miễn dịch kháng nguyên – kháng thể lắng đọng ở thành mạch máu nhỏ gây viêm mao mạch, kết dính tiểu cầu gây tắc nghẽn, thiếu máu, hoại tử các mô. Bệnh thường xảy ra 5-7 ngày sau khi dùng thuốc, gặp trong bệnh huyết thanh, viêm mao mạch do thuốc với các biểu hiện viêm mao mạch, mề đay, viêm khớp, viêm thận, thiếu máu tán huyết, mất bạch cầu hạt, viêm cơ tim, viêm đa dây thần kinh.
Týp IV: Nhóm quá mẫn chậm qua trung gian tế bào do phản ứng quá mức của tế bào lympho T đối với đáp ứng miễn dịch. Thường gặp trong viêm da tiếp xúc dị ứng, hồng ban cố định nhiễm sắc và bệnh chàm do thuốc.
BS. Lê Đức Thọ
Làm thế nào để phòng ngừa dị ứng thuốc?
- Chỉ nên dùng thuốc điều trị bệnh theo đúng toa chỉ định của bác sĩ, không tự ý mua thuốc để tự điều trị cũng như giới thiệu thuốc điều trị cho người khác vì đơn giản nghĩ rằng họ có bệnh lý giống mình. Việc sử dụng thuốc đúng hướng dẫn của bác sĩ điều trị và được theo dõi, chăm sóc là điều cần thiết nhằm giảm thiểu các phản ứng có hại của thuốc.
- Dị ứng thuốc là tình trạng xảy ra ngoài ý muốn của bác sĩ điều trị cũng như bệnh nhân. Khi đang dùng thuốc, nếu xảy ra các phản ứng bất thường như ngứa, nổi mề đay, khó thở hoặc cảm thấy khó chịu thì lập tức ngưng sử dụng thuốc đó, đến cơ sở y tế gần nhất để có thể được cấp cứu hay được hướng dẫn xử trí thích hợp. Sau đó, nên đến tái khám ở bác sĩ đã chỉ định thuốc để bác sĩ có thể thay đổi thuốc điều trị nếu cần. Các biện pháp dân gian như uống nước đậu xanh để giã thuốc, uống nước chanh, lòng trắng trứng… đều chưa có cơ sở khoa học để chứng minh.
- Khi đã bị dị ứng loại thuốc nào thì tuyệt đối không được dùng loại thuốc đó nữa.
Việc dùng thuốc chống dị ứng chỉ mang tính chất tạm thời để giải trừ tác động của histamin trong cơ thể chứ không giải quyết được căn nguyên dị ứng.
Nên nhớ rằng, tình trạng dị ứng đối với một loại thuốc xảy ra ở những lần sau đều trầm trọng hơn lần trước!
- Khi đi khám bệnh hoặc mua thuốc thì phải thông báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết những loại thuốc mà mình đã bị dị ứng trước đây và những loại thuốc hiện đang dùng để được hướng dẫn sử dụng thuốc hợp lý, an toàn.
Design by Hao Tran -