Hiển thị các bài đăng có nhãn bệnh mới nhất. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn bệnh mới nhất. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 9 tháng 9, 2013

Ông Tuân bị đau sưng đầu gối trái, đi khám bác sĩ nói ông bị viêm khớp dạng thấp nên kê đơn thuốc diclofenac 50mg x 2 viên/ngày, chia 2 lần uống sau khi ăn no. Ngoài ra, bác sĩ còn cho ông uống một số loại vitamin uống trong 10 ngày, sau đó khám lại.
Uống thuốc 3 ngày, ông thấy các khớp đỡ sưng đau nên mừng lắm. Nhưng đỡ được cái chân, ông lại thấy đau cái bụng. Phía dưới ức, vùng thượng vị của ông cứ đau âm ỉ, ông còn bị ợ hơi, ợ chua liên tục. Ông thấy khó chịu, nhưng vì mới đi bệnh viện về nên ông ngại đi khám, nguyên cái chuyện xếp hàng cũng đã thấy mệt mỏi rồi. Thế nên, ông định bụng uống hết thuốc chữa khớp rồi đến hôm đi tái khám thì sẽ khám cái bụng một thể. Nhưng càng ngày bụng ông càng đau, ông thấy mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt và đi ngoài phân đen. Đến lúc ông mệt xỉu thì mới chịu để vợ con đưa vào bệnh viện cấp cứu. Bác sĩ chẩn đoán ông bị xuất huyết tiêu hoá sau dùng thuốc chống viêm non steroide. Soi dạ dày cấp cứu phát hiện thấy một ổ loét ở hành tá tràng đang chảy máu. Thì ra, trước đây ông đã nhiều lần bị đau vùng thượng vị, thế mà khi đi khám bệnh, ông không nói với bác sĩ…
Bác sĩ giải thích: Khi dùng các thuốc chống viêm giảm đau nhóm non steroide, một biến chứng rất dễ xảy ra đó là chảy máu đường tiêu hoá; đặc biệt ở các bệnh nhân có tiền sử bị loét dạ dày – tá tràng. Do đó, trước khi sử dụng các thuốc thuộc nhóm này (như các thuốc diclofenac – biệt dược voltarel; profenide; tilcotil…) bác sĩ cần phải hỏi kỹ về tiền sử bệnh lý dạ dày tá tràng, bệnh nhân cũng cần kể cho bác sĩ biết những bệnh trước đây mình từng mắc. Khi dùng các thuốc nhóm này, nếu thấy xuất hiện triệu chứng đau vùng thượng vị, cần ngưng ngay việc sử dụng thuốc và đi khám ngay để phòng biến chứng xuất huyết tiêu hoá.
Hiện nay, thuốc giảm đau được quảng cáo khá nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Điều đáng nói là khi quảng cáo, người ta không đề cập đến những tác dụng không mong muốn của nhóm thuốc này. Vì vậy, đã có rất nhiều người bị những phản ứng có hại của thuốc, trong đó nguy hiểm nhất là xuất huyết đường tiêu hóa, chảy máu, thậm chí thủng dạ dày do thuốc chống viêm không steroid.
Một số thuốc giảm đau nguy cơ cao gây chảy máu đường tiêu hóa
Ibuprofen: Có trong thành phần của nhiều loại thuốc giảm đau như alaxan, antidol và thường được kết hợp với paracetamol (thuộc nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt) có thể giảm cơn đau nhanh chóng do ức chế sự tổng hợp hay phóng thích prostaglandin. Tuy nhiên, cần chú ý đến tác dụng không mong muốn của thuốc gây ra. Hay gặp nhất là tác dụng phụ về đường tiêu hóa. Có tới 5 – 15% người bệnh dùng ibuprofen gặp hiện tượng: trướng bụng, đau bụng, buồn nôn, nôn, nặng hơn là loét dạ dày tiến triển, chảy máu dạ dày, ruột… Để tránh những rối loạn về tiêu hóa, nên uống thuốc vào lúc no và uống với một cốc nước (khoảng 200-250ml). Cần đặc biệt chú ý đây là loại thuốc thường dùng để điều trị đau cấp tính, chỉ nên dùng trong thời gian ngắn mà không nên kéo dài. Không nên tự ý dùng thuốc này nếu không có chỉ định.  Nếu bị khó chịu ở dạ dày, nên uống thuốc cùng với thức ăn hoặc ngay sau ăn.
Aspirin: Đây là thuốc hay dùng nhất trong nhóm dẫn xuất của acid salicylic. Ngoài tác dụng hạ sốt và giảm đau, chống viêm còn có tác dụng chống kết tập tiểu cầu, vì vậy thuốc làm giảm quá trình đông máu. Aspirin có tác dụng giảm đau tốt nên được nhiều người tín nhiệm để uống khi bị sốt cao, nhức đầu, đau răng, đau mình mẩy, thấp khớp cấp và mạn. Tuy nhiên, đây cũng là thuốc nguy cơ rất cao gây viêm loét dạ dày tá tràng, chảy máu đường tiêu hóa. Lạm dụng thuốc có thể gây xuất huyết dạ dày, thậm chí thủng dạ dày rất nguy hiểm. Thuốc hiện nay hay dùng là dạng aspirin pH8 (viên bao tan ở ruột) để giảm tác dụng kích ứng ở dạ dày. Cần chú ý các dạng thuốc phối hợp như viên APC, Asca, aspirin sủi bọt, thuốc tiêm aspegic vẫn có phản ứng có hại gây viêm loét đường tiêu hóa nên cần phải tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc điều trị để tránh các phản ứng có hại của thuốc (ADR) nguy hiểm.

 Xuất huyết và thủng dạ dày do thuốc.
Indomethacin:
Hay dùng để điều trị đau lưng, viêm dây thần kinh, viêm xương khớp, hư khớp, thấp khớp mạn tính do có tác dụng chống viêm, giảm đau tốt. Người cao tuổi bị bệnh mạn tính về khớp hay được kê đơn nên cũng dễ bị các phản ứng có hại do dùng thuốc kéo dài không đúng cách. ADR nguy hiểm nhất của thuốc này là gây viêm loét dạ dày – tá tràng, ruột, rối loạn đông máu.
Diclofenac (voltaren, diclofen): Là thuốc giảm đau, chống viêm dung nạp tốt nên hay dùng trong các chứng thấp khớp, thoái hóa và viêm hư khớp, thoái hóa cột sống, viêm nhiều khớp, đau lưng, đau thần kinh hông. Đây cũng là một trong những thuốc gây loét dạ dày – ruột – tá tràng khá nguy hiểm do nhiều người lạm dụng trong điều trị đau.
Các dẫn xuất của nhóm oxicam: Thường dùng là meloxicam (mobic, M-cam, camrox); pirocicam (fendene); tenocicam (ticoltil) hiện nay cũng thường được dùng trong điều trị viêm xương khớp, thoái hóa khớp, viêm cột sống cứng khớp. Tuy phản ứng có hại gây loét và xuất huyết đường tiêu hoá ít gặp hơn nhưng vẫn là nhóm thuốc có nguy cơ cao gây chảy máu đường tiêu hóa nếu bị lạm dụng, dùng liều cao kéo dài.
Tuân thủ nguyên tắc điều trị
Thông thường, với nhóm thuốc giảm đau kháng viêm không steroid khi sử dụng phải tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc điều trị và phải dùng kèm các thuốc bảo vệ dạ dày để phòng ngừa các tai biến viêm loét hoặc chảy máu đường tiêu hóa. Các thuốc nhóm NSAID thường giúp hạ cơn đau nhức tạm thời, nhưng nếu lạm dụng dễ bị nhờn thuốc hoặc cũng có thể gây các phản ứng phụ như nổi mày đay, đỏ da toàn thân… Hiện nay có tình trạng khá nhiều người cứ thấy đau đầu, đau khớp… là tự ý mua thuốc giảm đau theo quảng cáo mà không đi khám bệnh. Trường hợp có các triệu chứng viêm đau xương khớp mà dùng thuốc bừa bãi rất nguy hại vì có thể mắc thêm các bệnh khác nguy hiểm hơn.
Các thuốc NSAID thường được bán tự do ở các nhà thuốc nên nhiều người dùng đã lạm dụng thuốc mà không biết thuốc có nhiều phản ứng phụ như gây mệt mỏi, trướng bụng, buồn nôn, nhức đầu, chóng mặt, bồn chồn, dị ứng, xuất huyết dạ dày nặng, tổn thương gan nặng, viêm bàng quang, đái ra máu, suy thận cấp… Người dùng thuốc nên nhớ rằng không có thuốc nào là an toàn tuyệt đối kể cả khi người bệnh có sử dụng đúng liều lượng và hướng dẫn sử dụng. Thuốc giảm đau NSAID chỉ có tác dụng giảm đau triệu chứng chứ không có khả năng chữa bệnh tận gốc.
Design by Hao Tran -