Thứ Tư, 25 tháng 9, 2013

HẠNH NHÂN

(Semen Pruni Armeniacae)


 

Hạnh nhân tức là hạt khô của quả của cây Mơ, có nhiều loại có tên thực vật học khác nhau, như cây Sơn hạnh Prunus Armeriaca L var ansu Maxim, Hạnh Siberia Prunus sibinca L, Hạnh Đông bắc Prunus mandshurica (Maxim) Koenae hoặc cây Hạnh Prunus armenicaca L đều thuộc họ Hoa Hồng (Rosaceae). Hạnh nhân còn có tên là Ô mai, Hạnh, Khổ Hạnh nhân, Bắc Hạnh nhân, Quang Hạnh nhân, dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Bản kinh.


Cây Mơ mọc hoang và được trồng nhiều ở nước ta, nhiều nhất là các tỉnh Hà sơn bình (Mỹ đức), Hà nam ninh (huyện Kim bảng), Thanh hóa, Nghệ an, Hà tỉnh, Trung quốc, Armenia, Nhật bản cũng có cây Mơ.
Cách chế biến: Mùa hè, hái quả chín về, bỏ hết thịt và vỏ của nhân, lấy nhân phơi khô, lúc dùng đập vụn.
Khổ hạnh nhân là cho Hạnh nhân vào nước sôi trong ít phút lấy ra ngâm nước lạnh, bỏ vỏ phơi khô.
Sao Hạnh nhân là bỏ Khổ Hạnh nhân vào nồi, cho lửa nhỏ sao vàng.
Hạnh nhân sương là dùng giấy thấm bọc ép cho lấy hết dầu.
Tính vị qui kinh:
Hạnh nhân vị đắng hơi ôn, có độc ít, qui kinh Phế, Đại tràng.
Theo các sách thuốc cổ:
  • Sách Bản kinh: vị ngọt ôn.
  • Sách Danh y biệt lục: đắng có độc.
  • Sách Cảnh nhạc toàn thư – Bản thảo chính: vị đắng cay, hơi ngọt.
  • Sách Thang dịch bản thảo: nhập thủ thái âm kinh.
  • Sách Trấn nam bản thảo: nhập 2 kinh Tỳ phế.
  • Sách Lôi công bào chế dược tính giải: nhập 2 kinh Phế Đại tràng.
Thành phần chủ yếu:
Nhân hạt mơ chứa: 35 – 40% chất dầu ( dầu Hạnh nhân), 3% amygdalin và men emunsin gồm 2 men amygdalase và prunase.
Tác dụng dược lý:
A.Theo Y học cổ truyền:
Hạnh nhân có tác dụng chỉ khái bình suyễn, nhuận tràng thông tiện.
Chủ trị các chứng ho do phong hàn hoặc phong nhiệt, ho suyễn do phế nhiệt, táo bón do tràng táo.
Trích đoạn Y văn cổ:
  • Sách Bản kinh: ” chủ khái nghịch thượng khí, hầu tý, hạ khí, săn nhũ”.
  • Sách Dược tính bản thảo: ” chủ khái nghịch thượng khí suyễn thúc, cùng Thiên môn đông sắc uống nhuận tâm phế hòa nước qua làm thang nhuận thanh khí”.
  • Sách Trân châu thang: ” trừ phế nhiệt, trị phong nhiệt ở thượng tiêu, lợi hung cách khí nghịch, nhuận đại tràng khí bí”.
B.Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:
  1. Glucosid hạt mơ thủy phân cho cyanhydric acid có tác dụng ức chế nhẹ trung khu hô hấp vì thế giảm ho suyễn.
  2. Benzaldehyde có thể ức chế chức năng tiêu hóa của pepsin, dầu hạnh nhân có tác dụng nhuận tràng.
  3. Khổ hạnh nhân có tác dụng chống ung thư (các thí nghiệm chưa nhất trí).
  4. Thuốc có tác dụng ức chế lãi đũa, lãi móc câu, lãi kim, trực khuẩn thương hàn và phó thương hàn.
  5. Độc tính: Sau khi ăn vào, chất amygadalin và amygdalase kết hợp sinh ra prunasin và mandelonitrile bị phá hủy trong ruột sinh ra benzaldehyde và hydrocyanic acid rất độc.
Triệu chứng nhiễm độc: chóng mặt, mệt lã, nôn, tiêu chảy, đau bụng, nóng rát vùng thượng vị, huyết áp tăng, thở nhanh, nghiêm trọng hơn thở nông chậm, hôn mê, cứng người, co giật, giãn đồng tử, huyết áp hạ, suy hô hấp tuần hoàn dẫn đến tử vong.
Người lớn ăn 40 – 60 nhân, trẻ em10 – 20 nhân có thể gây nhiễm độc nghiêm trọng. Uống Anhydric acid, liều gây chết là 0,06g ở người lớn.
Thuốc được nấu lên và có cho đường giảm bớt độc. Trường hợp quá liều có thể cho uống than hoạt hoặc sirô. Trong dân gian dùng vỏ cây mơ hoặc vỏ của rễ làm chất giải độc.
Ứng dụng lâm sàng:
1.Trị viêm phế quản mạn tính:
  • Dùng nhân có vỏ với cùng lượng đường phèn trộn làm thành Hạnh nhân đường. Sáng tối mỗi lần uống 10g; 10 ngày là một liệu trình. Đã trị 124 ca, khỏi 23 ca, có kết quả tốt 66 ca, tiến bộ 31 ca, không kết quả 4 ca, tỷ lệ kết quả 96,8%, đối với ho đàm suyễn đều có tác dụng, thường sau 3 – 4 ngày thấy có kết quả ( Tư liệu của Viện Nghiên cứu Trung y 1971,34).
  • Chua me đất 5g, Lá chanh 4g, Cam thảo dây 5g, Lá tre 8g, Tô mộc 8g, Gừng sống 2g, Ô mai 4g, nước 500ml sắc còn 250ml chia 2 lần uống trong ngày. Trị ho lâu ngày khản tiếng, viêm họng, viêm phế quản.
  • Hạnh tô tán (ôn bệnh điều biện) : Khổ hạnh nhân 6g, Tô diệp, Cát cánh, Chỉ xác, Quất bì, Pháp Bán hạ, Sinh khương đều 6g, Phục linh, Tiền hồ đều 10g, Đại táo 2 quả, sắc uống.
  • Hạnh nhân tiễn: Hạnh nhân ngọt (Điềm hạnh nhân) 100g, nước gừng tươi 150g, Tang bì, Bối mẫu, Mộc thông đều 40g, Tử uyển, Ngũ vị tử đều 30g, sắc cô thêm mật ong thành cao, mỗi lần uống 1 thìa canh, ngày 2 lần. Trị ho lâu ngày khàn giọng.
2.Trị táo bón:
  • Nhuận tràng hoàn: Hạnh nhân, Đào nhân, Đương qui đều 10g, Hỏa ma nhân 12g, Sinh địa 12g, Chỉ xác 6g sắc uống.
  • Hạnh nhân, Hỏa ma nhân, Bá tử nhân đều 10g, sắc nước uống. Trị táo bón người cao tuổi và người sau sanh.
3.Trị viêm âm đạo do trùng roi (trichomonas):
  • Trị 6 ca viêm âm đạo do trùng roi bằng cách đắp nước Hạnh nhân kết quả đều tốt, 120 ca viêm âm đạo khác cũng được đắp bằng cao Hạnh nhân với dầu mè và lá dâu hàng ngày kết quả tốt trên 90% thông thường viêm hết trong vong 1 tuần.
Liều thường dùng và chú ý:
  • Liều: 3 – 10g, thuốc sắc nên cho sau.
  • Sao Hạnh nhân trị ho không dùng trị táo bón.
Quả hạnh tốt cho nam giới
Tờ tạp chí Esquire của Mỹ dẫn một cuộc nghiên cứu cho thấy quả hạnh rất giàu một loại axít amino gọi là arginine, có công dụng làm dịu căng thẳng mạch máu và cải thiện tuần hoàn máu.
Loại hạt này còn có thể tăng cường khả năng tình dục ở quý ông. Bên cạnh đó, các chuyên gia khuyên các ông nếu muốn có được đời sống tình dục viên mãn nên giảm vòng bụng, tăng cường tập các động tác ở phần bụng dưới và giảm lượng cholesterol trong máu. Ngoài quả hạnh, các thực phẩm giàu arginine gồm đậu, cá hồi và lúa mì.

1 nhận xét :

  1. tôi nghi ngờ tính chân thực của trang khi đem quả óc chó đi làm minh họa cho quả hạnh nhân

    Trả lờiXóa

Design by Hao Tran -